Xu hướng ứng dụng tự động hóa tại Việt Nam và ảnh hưởng đến dịch chuyển lao động
Tự động hóa (TĐH) là công nghệ mà theo đó quy trình hoặc thủ tục được thực hiện mà không cần sự trợ giúp của con người, được sử dụng các hệ thống điều khiển khác nhau cho các thiết bị vận hành như máy móc, quy trình trong nhà máy, các ứng dụng và phương tiện khác nhằm giảm sự can thiệp của con người, một số quy trình đã được hoàn toàn tự động. Đến nay Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi cho robot và tự động hóa (TĐH), không nằm ngoài xu thế của khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng robot nhiều hơn trong các dây chuyền sản xuất.
Theo khảo sát từ Frost & Sullivan (2017), thị trường TĐH Việt Nam sẽ có trị giá 184,5 triệu USD vào 2021. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang tích cực tập trung vào việc phát triển các sáng kiến và ban hành luật để đẩy nhanh quá trình TĐH. Trong số những nỗ lực này có Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, ưu tiên vào tầm quan trọng của robot công nghiệp và TĐH công nghệ cao. Theo dự đoán, robot sẽ đóng vai trò ngày một lớn hơn trong thị trường TĐH và điều khiển tại Việt Nam.
1. Một số ứng dụng tự động hoá ở Việt Nam hiện nay
Ứng dụng trong sản xuất công nghiệp: Công ty TNHH Mitsubishi Electric Việt Nam tiên phong trong công nghệ nhà máy thông minh e-F@ctory và giới thiệu đến thị trường nhiều mẫu thiết bị TĐH công nghiệp tiên tiến. Với công nghệ điều khiển các vật bằng mạng Internet (Internet of Things), e-F@ctory của Mitsubishi Electric đem đến giải pháp quản lý sản xuất hiện đại nhất. Hệ thống robot với trí tuệ nhân tạo (TTNT) của Mitsubishi Electric bao gồm các robot cảm biến lực và cảm biến hình ảnh. Robot trang bị cảm biến lực cho phép hiện thực hoá các quy trình sản xuất phức tạp, đồng thời liên tục thu thập lại kết quả để đo lường và cải tiến dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, robot còn trang bị cảm biến hình ảnh với camera quan sát giúp tiết kiệm thời gian lắp đặt robot vào dây chuyển sản xuất lớn tới 16 lần với độ chính xác cao. Khi kết nối với dữ liệu đám mây, robot cho phép sản xuất sản phẩm tuỳ biến theo nhu cầu cá nhân trong thời gian thực. Hệ thống mạng Internet tích hợp trong e-F@ctory cùng trung tâm máy tính có nhiệm vụ phân tích và phản hồi, các nhà sản xuất có thể điều khiển, kiểm soát nhà máy từ xa thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay. Robot còn đảm bảo tính an toàn cho con người và cơ sở sản xuất. Ngoài ra, cánh tay robot mới với nhiều cải tiến trong công nghệ cảm biến và điều khiển còn được áp dụng trong các công đoạn từ đơn giản cho đến phức tạp như: lắp ráp, kiểm tra sản phẩm, theo dõi sản phẩm trên băng chuyền… đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong nhà máy.
Ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp: Năm 2013, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đưa vào hoạt động “siêu nhà máy” sản xuất sữa tại Bình Dương với hệ thống sản xuất tự động cùng với robot. Tại đây, các robot tự hành có thể điều khiển toàn bộ quá trình, từ nguyên liệu, bao gói tới thành phẩm mà không cần sự can thiệp của con người, các nhà máy có trình độ tự động cao ngang tầm khu vực và thế giới. Vinamilk cũng đưa robot vào khâu chăn nuôi bò sữa.
Năm 2017, Công ty Ba Huân đã đầu tư hệ thống TĐH 100% của hãng Moba (Hà Lan) với công suất xử lý 65.000 quả trứng/giờ. Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng đã đưa dây chuyền tự động xử lý trứng gà của Hà Lan vào sử dụng từ năm 2016, hiện mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 200 triệu quả trứng gà.
Ứng dụng trong y tế: Năm 2014, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa vào hoạt động Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa có ứng dụng robot. Đây là cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước có trung tâm ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi bằng robot. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á, thứ hai của châu Á có trung tâm kiểu này.
Cuối năm 2016, Bệnh viện Bình Dân đã bắt đầu sử dụng robot phẫu thuật trên người lớn tại Việt Nam. Phẫu thuật bằng robot có nhiều ưu điểm, giúp hoàn thiện hơn kỹ thuật mổ của bệnh viện từ trước đến nay.
Tháng 10/2017, bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã đưa robot Da Vinci (robot do Hoa Kỳ sản xuất và được đánh giá là hệ thống robot phẫu thuật hiện đại nhất tại thời điểm đó) vào phẫu thuật cho bệnh nhân mắc các bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đại – trực tràng, ung thư phổi, ung thư gan…
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, robot còn giúp cho việc dán nhãn và chuyển thông tin người bệnh có nhu cầu xét nghiệm nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian và tránh sai sót thông tin; hệ thống tự động xét nghiệm cũng giúp rút ngắn một nửa thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP. HCM, hệ thống tự động quản lý bằng mã barcode cũng giúp cho việc quản lý các túi máu được chính xác.
2. Ảnh hưởng đến đến dịch chuyển lao động
Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 về mức độ ảnh hưởng của công nghệ và tự động hóa thay thế lao động, trong vòng 10 năm tới (khoảng đến năm 2028) sẽ có tới 7,5 triệu người, tương đương 13,8% lao động Việt Nam sẽ phải dịch chuyển công việc của mình để nhường chỗ cho máy móc vì công nghệ tự động hóa. Quan niệm về nghề nghiệp, ổn định nghề nghiệp sẽ dần đần thay đổi, các doanh nghiệp sẽ rút ngắn thời hạn yêu cầu kỹ năng đối với công việc. Những thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã làm cho các kỹ năng trở nên lỗi thời chỉ trong vòng vài năm. Ngoài các kỹ năng cứng, các chủ  doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến các kỹ năng và năng lực xử lý đồng thời nhiều công việc trong thực tế. Do đó thay đổi công nghệ áp dụng khoa học kỹ thuật trong đó tự động hóa sẽ có những tác động khác nhau đến tình hình việc làm thuộc các lĩnh vực khác nhau: việc làm sẽ tăng mạnh đối với các nghề kiến trúc sư, kỹ sư, máy tính, toán học và việc làm giảm nhẹ trong lĩnh vực chế tạo, lắp ráp và giảm mạnh việc làm hành chính văn phòng.
Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến giữa năm 2019 là 55,67 triệu người cho thấy, Việt Nam đang có nguồn nhân lực khá dồi dào và lực lượng lao động trẻ, năng động có thể nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ mới. Số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 12,74 triệu lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ (bao gồm các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học), chiếm 22,88% tổng số lực lượng lao động, tuy nhiên nguồn nhân lực chưa qua đào tạo còn chiếm một tỷ lệ khá cao trong lực lượng lao động cả nước (77,1%). Xét về tương quan số lượng lao động có trình độ được đào tạo từ 3 tháng trở lên so với lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là sự chênh lệch khá cao gấp trên 3,35 lần, còn lao động có trình độ đại học trở lên so với các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề là 1-0,34-0,41-0,18 phản ánh sự thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao.
Xu hướng tự động hóa trong tương lai ngày càng làm thay đổi lớn đến thị trường lao động và việc làm trên nhiều góc độ khác nhau, những lĩnh vực dựa vào lao động thủ công, những ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử hay những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Như ngành dệt may, các thao tác như cắt, may thì máy móc đều có thể thay thế được, tự động hóa có thể làm việc liên tục 24/24h, robot có thể thay thế đối với ngành lắp ráp điện tử, tư vấn, chăm sóc khách hàng sẽ được trả lời bằng robot tự động. Như vậy, đối với lao động sẽ là sự dịch chuyển lao động đơn giản sang lao động có trình độ tay nghề cao đặc biệt là chuyên môn kỹ thuật cao và chuyên môn bậc trung dịch chuyển ngày càng cao, những ngành nghề nông lâm ngư nghiệp có xu hướng ngày càng giảm từ 5,47 triệu người xuống 5,22 triệu người và ngành nghề có đặc thù đơn giản từ 20,24 triệu người xuống 19,44 triệu người.